Anh Trần Văn Tài đi lên từ mô hình nuôi heo giống

Là thanh niên lập thân lập nghiệp nhưng ít có nam thanh niên nào lại dám chọn con đường phát triển kinh tế bằng mô hình nuôi heo giống. Thế mà anh Trần Văn Tài, ấp Kiến Vàng A, xã Việt Thắng, huyện Phú Tân đã rất tâm huyết với mô hình này. Anh đã áp dụng được khoa học công nghệ vào mô hình nuôi heo giống của gia đình và đã thành công, đem lại thu nhập ổn định.
Thấy bóng anh Trần Văn Tài từ xa, anh cán bộ Hội Nông dân xã Việt Thắng đã trêu đùa “Kiểu này chắc còn lâu mới cưới được vợ Tài ơi, chắc người ta sợ phải chăm thêm mười mấy bà ở nhà đó”. Sau câu nói trêu đùa, anh Tài chỉ cười hiền. Anh cán bộ xã quay sang chúng tôi lý giải, anh nông dân có dáng vẻ hiền lành ấy là Trần Văn Tài ở ấp Kiến Vàng A, xã Việt Thắng là nông dân sản xuất giỏi hẳn hoi. 32 tuổi, chưa vợ và rất mát tay trong nghề chăm heo giống, cái nghề mà đó giờ không nghe mấy chàng trai trẻ nào dám làm.
Nhận thấy nuôi heo là công việc khá đơn giản mà thu nhập từ con tôm lại không ổn định, năm 2010, gia đình anh Tài bắt đầu chăn nuôi heo nhưng với số lượng ít như bao hộ khác trong xóm. Đến năm 2012, đàn heo trong gia đình anh Tài đã có 6 con heo mẹ và 10 con heo lứa thương phẩm. Nhưng do chưa có kinh nghiệm và áp dụng chưa đúng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đàn heo bị dịch bệnh và thiệt hại gần 60 triệu đồng.
Từ thất bại ban đầu với số tiền thiệt hại không nhỏ nhưng anh Tài không nản chí. Anh ý thức hơn trong việc tiêm phòng dịch bệnh cho đàn heo, cách chăm sóc và học hỏi thêm khoa học kỹ thuật với mong muốn sẽ có đàn heo mẹ sạch bệnh, khỏe mạnh để cung cấp giống cho địa phương. Anh Trần Văn Tài chia sẻ thêm: ở Bến Tre, người ta nuôi heo với số lượng nhiều thì giá phải cao hơn ở xứ mình vài trăm ngàn trên tấn heo trăm ký. Tôi mới có ý nghĩ sao mình không đem giống về đây chăm sóc cho có hiệu quả cao, vừa bán giá cao vừa thu hút thương lái vì không tốn phí vận chuyển. Thêm nữa là tôi cũng mong muốn đem lại nguồn heo giống chất lượng cho địa phương.
Nghĩ là làm, ban đầu anh Tài mua heo giống ở huyện Trần Văn Thời nhưng anh tìm được giống heo ở tỉnh Bến Tre có nhiều ưu điểm hơn như: thịt đùi nhiều, ít mỡ và nạc cao. Đầu năm 2013, anh Tài cho tái đàn từ 4 con heo mẹ của đàn heo trước. Bản thân anh cũng học hỏi thêm kỹ thuật hộ sinh cho heo mẹ, những ca đỡ ban đầu hoặc ca khó anh nhờ cán bộ thú y của xã hỗ trợ. Trong năm 2013, đàn heo mẹ đã sản xuất ra 45 con heo giống. Số heo giống này, gia đình anh Tài nuôi thương phẩm, trừ chi phí cho lãi 120 triệu đồng. Năm 2014, gia đình anh Trần Văn Tài mở rộng mô hình thêm 10 con heo mẹ và nuôi 2 đợt heo thương phẩm với số lượng 100 con. Trong đó, 10 con heo mẹ cho sinh sản 2 đợt được 200 con heo giống, mỗi con heo giống xuất chuồng có giá từ 1 – 1,2 triệu đồng. Heo nuôi thương phẩm bán với giá từ 4,7 – 5 triệu đồng/con/100 ký. Năm 2014, trừ chi phí, gia đình anh Tài thu về hơn 200 triệu đồng.
Không chỉ chăm chỉ làm ăn, bản thân anh Tài không ngừng học hỏi kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật. Hiện tại anh Tài đã có thể tự hộ sinh cho heo mẹ tại gia đình. Anh Tài còn học hỏi làm hầm biogas, tìm hiểu mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học từ tỉnh Đồng Tháp. Anh Trần Văn Tài, cho biết thêm: đệm lót sinh học là một trong những mô hình anh thích nhất từng làm, vì những lợi ích như ít gây ô nhiễm môi trường, đỡ tốn công chăm sóc, tiết kiệm được thời gian... Thời gian tới, anh còn dự định thực hiện mô hình nuôi heo lứa thì tự tắm, heo nái thì có máng uống tự động giúp giảm công chăm sóc và dễ quản lý.
3 năm thực hiện mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học anh Tài có thêm thời gian rảnh rỗi để hoàn thành các lớp học Trung cấp Thú y ở Cà Mau; Chuẩn bị bước vào năm thứ 3 của đại học chuyện ngành Quản trị kinh doanh, hệ vừa học vừa làm của Trường Cao đẳng Cộng đồng. Ngoài việc trau dồi tri thức, anh Tài cũng dành thời gian chăm sóc 4 héc ta nuôi tôm quảng canh truyền thống của gia đình. Hiện tại, gia đình anh Tài có khu chăn nuôi heo khoảng 500 mét vuông, với 15 con heo mẹ. Trong đó, 7 con heo mẹ đã sinh sản được 72 con heo giống.
Ông Võ Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Việt Thắng, huyện Phú Tân đánh giá: chỗ gia đình anh Tài thì nuôi heo cho hiệu quả rất cao rồi, vì biết áp dụng khoa học công nghệ như nuôi heo bằng đệm lót sinh học, làm hầm biogas luôn. Tuy là người trẻ nhưng anh Tài rất chịu khó học hỏi làm ăn, vươn lên trong cuộc sống.
Không chỉ chăm chỉ, siêng năng trong lao động sản xuất, anh Trần Văn Tài đã biết vận dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi của gia đình. Từ mô hình nuôi heo giống không đòi hỏi chi phí cao, diện tích nhiều nhưng vẫn có thể đem lại nguồn thu nhập ổn định và góp phần làm giàu chính đáng. Không những thế, bản thân anh Trần Văn Tài còn là một tấm gương cho thanh niên khi biết không ngừng học tập, lao động sản xuất vươn lên trong cuộc sống.

Không có nhận xét nào