Gương sáng về thực hành tiết kiệm

Trên cương vị là một Chủ tịch nước, bận trăm công nghìn việc, nhưng Bác luôn nghĩ đến người nghèo “lúc chúng ta nâng bát cơm ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước, cứ 10 ngày nhịn ăn 1 bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem số gạo tiết kiệm đó để cứu dân nghèo”. Một hôm, Bác đi họp ở đâu về, sợ Bác đói, nhà bếp vẫn để dành cơm cho Bác, nhưng Bác kiên quyết từ chối không ăn, mặc dù Bác chưa ăn cơm. Vì hôm đó đúng bữa nhịn của Bác để góp vào hũ gạo tiết kiệm.
Bữa ăn của Bác như bữa ăn của mọi nhà: Bát canh, quả cà, con cá kho, hoặc lát thịt kho. Khi ăn, không bao giờ Bác để rơi cơm. Đồng chí Phạm Văn Đồng có lần kể: Ăn cơm với Cụ hàng trăm lần, lần nào cũng thấy Cụ tém vén không để rơi một hạt cơm. Bởi vì Cụ trọng và tiết kiệm công sức của người làm ra lúa gạo. Chuyện nhỏ, đức lớn hài hoà ở một con người. Khi dùng các món ăn bao giờ Bác cũng dùng hết, không để thừa lãng phí. Hồi 1957, Bác về thăm quê, lần ăn cơm với lãnh đạo tỉnh, khi đưa thêm các món ăn, Bác gạt đi: Dùng hết lấy thêm, đừng để người khác ăn thừa của mình.
15 năm cuối ở Hà Nội, lúc dân đói, kinh tế còn khó khăn, Bác đã thực hiện: Chiều thứ 7 hàng tuần ăn cháo để tiết kiệm thêm một chút gạo cho người nghèo. Dân, cán bộ ăn cơm độn ngô, khoai, sắn bao nhiêu phần trăm, thì Bác cũng thực hiện bấy nhiêu phần trăm giống như cán bộ, như dân. Khi đi công tác, Bác mang cơm nắm với muối vừng và bày ra bãi cỏ cũng ăn với mọi người.
Bác tiết kiệm đến cái nhỏ như tờ giấy: “Giấy bút, vật liệu đều tốn tiền của Chính phủ, tức là của dân; ta cần phải tiết kiệm. Nếu một miếng giấy nhỏ đủ viết, thì chớ dùng một tờ to. Một cái phong bì có thể dùng hai ba lần”. Và Bác đã làm để mọi người bắt chước là hàng ngày các văn bản Bác đều viết ở mặt sau của bản tin Thông tấn xã Việt Nam; còn phong bì Bác đều dùng lại phong bì của các nơi gửi tới đến 2, 3 lần. Bác nói: “nơi nào cũng tiết kiệm một chút, thì trong một năm đỡ được hàng vạn tấn giấy, tức là hàng triệu đồng bạc. Nhờ tiết kiệm...mà lợi cho dân rất nhiều”.
Bác còn chỉ thị cho những người phục vụ: Vá khăn mặt cho Bác, vá áo lót cho Bác, vá chiếu nằm cho Bác. Có lần, khi tất rách chưa kịp vá, anh em đưa đôi mới để Bác dùng. Bác cầm đôi tất xoay chỗ rách vào bên trong người Bác, rồi cười: Đấy có trông thấy rách nữa đâu... Những việc này thật quá bình thường.
Mùa đông, Bác Hồ có một cái áo bông của đồng bào biếu, Bác dùng nhiều năm, mền bông xẹp xuống không ấm nữa. Nhưng không ai dám nghĩ đến việc xin Bác bỏ mền bông đi, chỉ nghĩ đến việc thay vỏ ngoài. Vì dùng mãi vỏ áo đã đứt chỉ ở khuỷu tay và ở cổ. Bác bảo mạng nó lại. Nó rách ở vai thì Bác bảo vá vai, đến khi nó rách lần hai, đồng chí phục vụ xin cho thay vỏ ngoài, Bác bảo: “Này chú ạ, Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước mặc áo vá vai thế này là cái phúc của dân đấy, đừng bỏ cái phúc đó đi.”
Thấy Bác mặc bộ quần áo ka ki đã sờn cổ, sờn tay, xin được thay bộ khác, Bác bảo: Nếu thi sang thì thua, thi tiết kiệm thì thắng. Bác mặc như thế phù hợp với hoàn cảnh của nước của dân không phải thay.
Ô tô phục vụ Bác là chiếc Pô bê đa (Thắng lợi) của Liên Xô trước đây. Đã nhiều lần Trung ương xin thay ô tô khác, nhưng Bác bảo ô tô là phương tiện phục vụ cho công việc, chứ không phải là sự phân biệt cấp bậc, chức tước, ô tô phục vụ Bác còn dùng được, không phải thay. Và một lần chiếc ô tô phục vụ Bác bị lão hoá ở vòng tay lái, toả mùi cao su khó chịu nhưng chưa kịp sửa, thì đúng lúc Bác có việc phải đi, đồng chí bảo vệ lấy chút nước hoa vẩy vào trong xe để át mùi cao su. Khi Bác lên ô tô phát hiện có mùi nước hoa, Bác tỏ ý không vui. Bác bảo: “Không phải Bác không thích nước hoa, nhưng nhân dân mình còn nghèo khổ. Vị Chủ tịch của những người nghèo khổ dùng nước hoa sao đành”.
Bác đã dạy: “Người ta ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp, nhưng phải đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân còn khó khăn, một người nào đó muốn sống hưởng ăn ngon, mặc đẹp thì không có đạo đức”. Và Bác thường xuyên nhắc nhở phải coi đạo đức là cái gốc của người cách mạng, của con người, phải thực hành cần, kiệm, liêm, chính. Người chỉ rõ: “Một dân tộc biết cần, kiệm, liêm, chính là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, một dân tộc văn minh tiến bộ”.
Ôn lại những điều cụ thể trên đây về cuộc sống tiết kiệm của Bác, như đồng chí Phạm Văn Đồng đã nói: Chớ có hiểu lầm rằng, Bác Hồ sống khắc khổ theo kiểu nhà tu hành, thanh tao theo kiểu nhà hiền triết ẩn dật. Bác Hồ sống tiết kiệm, thanh bạch trong đời sống và cuộc đấu tranh gian khổ, ác liệt của quần chúng nhân dân. Đời sống vật chất càng giản dị thì càng phù hợp với đời sống tâm hồn phong phú, với những tình cảm, những giá trị tinh thần cao đẹp nhất. Đó là cuộc sống thật sự văn minh mà Bác Hồ đã nêu gương sáng.
Và cũng chính vì thế, lịch sử biến thiên, nhưng Bác Hồ vẫn sống mãi. Tuy Bác đã đi xa, nhưng con cháu Bác vẫn hàng ngày tìm về cái đẹp cuộc đời Bác nêu gương để trau chuốt cái đẹp cho đời. “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ” chính là học tập và làm theo những mẫu mực cao đẹp đó của Người.
Và còn vô vàn câu chuyện kể về những hành động, việc làm về tấm gương tiết kiệm của Bác. Từ những việc làm bình dị đó đã làm nên một con người vĩ đại.

1 nhận xét:

  1. Mạnh mẽ, khỏe khoắn như hơi thở của biển cả, Nước hoa charme cool water mang lại cảm giác tươi mát như gió biển, phóng khoáng, thự tin và thích hợp cho thời tiết nhiệt đới như ở Việt Nam.
    Charme cool water 50ml cực kì nam tính, cuốn hút, năng động của hương cam, quýt, rong biển, hổ phách, độ lưu hương cực kì lâu lên tới 12h trên da và 2-3 ngày trên quần áo để thấy hết được tầng hương quyến rũ của nước hoa charm cold water.
    Có thể nói nước hoa charme cold water là một trong những sản phẩm được cánh mày râu chọn nhiều nhất bởi hương thơm không quá nồng, mùi nhẹ nhàng dễ chịu và lưu hương lâu. Thích hợp cho phong cách giản dị, phóng khoáng và thanh lịch

    Trả lờiXóa