[Sưu tầm] Ngày nào tôi còn có thể làm được thì tôi sẽ góp sức cùng địa phương xây dựng nông thôn mới

 Đây là lời tâm sự của bác Võ Thị Sành, ở ấp Cái Rắn, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước. Mặc dù năm nay đã gần 79 tuổi, tay đã run, mắt đã mờ, sức khỏe yếu, thường hay bệnh tật, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng bác Sành vẫn tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Trên phần đất mặt tiền của gia đình có chiều dài hơn 60 mét bác Sành đã trồng phủ kín hàng rào cây xanh theo quy định và được cắt tỉa đẹp mắt để góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới.

 



Bác Võ Thị Sành cắt tỉa hàng rào cây xanh trước nhà.


Từ năm 1960, bác Võ Thị Sành tham gia công tác tại Phòng chính trị Quân khu 9. Đến năm 1974, bác Sành giải ngũ và trở về sinh sống tại ấp Cái Rắn, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước cho đến ngày nay.

Ngày trở về nơi đây sinh sống, gia đình cha mẹ 2 bên đều nghèo nên vợ chồng bác không có tài sản gì đáng giá. Ngoài 2 công đất vườn, vợ chồng bác không còn mảnh đất nào để trồng lúa, nuôi tôm. Hàng ngày, vợ chồng bác phải đi làm thuê, làm mướn để kiếm sống. Đến năm 1980, chồng bác đã qua đời, một thân, một mình bác lại phải bươn chải để nuôi đứa con gái còn nhỏ. Hiện nay, bác Sành sống với đứa cháu ngoại và đứa cháu cố mới 9 tuổi.

Mặc dù, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, sức khỏe yếu, thường hay bệnh tật nhưng khi địa phương phát động xây dựng nông thôn mới, bác Võ Thị Sành đã gương mẫu đăng ký thực hiện.
 



Hàng rào cây xanh của gia đình bác Sành luôn được cắt tỉa bằng phẳng, thẳng hàng.


Trên phần đất mặt tiền trước nhà, bác Sành dọn sạch cỏ dại, xới đất trồng hàng rào cây xanh theo quy định. Hàng rào cây xanh của gia đình bác Sành được trồng bằng cây dâm bụt, có chiều dài trên 60 mét, phủ kín phần đất mặt tiền trước nhà và được trồng trên 6 năm.

Lúc mới trồng, không có cây giống, bác Sành phải đi bộ đến gần trụ sở UBND xã Phú Hưng, các chùa trong xã để xin cây giống. Khi xin được cây giống, bác phải chặt ra từng đoạn ngắn, vô bao rồi đội (để lên đầu) về trồng. Những ngày đầu sau khi xuống giống, bác Sành phải xách từng thùng nước tưới để cho cây không bị khô, không bị chết và tiến hành trồng dặm những chỗ còn thưa. Khi cây lớn lên, bác Sành tiến hành cắt tỉa cho hàng rào cây xanh được bằng phẳng, thẳng hàng.

Do không có điều kiện để mua kéo chuyên dụng, bác Sành phải dùng kéo cắt may để cắt tỉa hàng rào cây xanh. Loại kéo này thường không lực lớn nên lần nào tỉa hàng rào cây xanh bác Sành cũng bị đau tay, phồng tay. Bác Sành cho biết: Bình quân mỗi tháng tôi phải cắt tỉa 2 lần cho hàng rào cây xanh. Nếu chậm cắt tỉa, cành nhánh hàng rào cây xanh sẽ lên cao, lớn và cứng hơn thì việc cắt tỉa sẽ khó hơn. Sau một thời gian cắt tỉa cho hàng rào cây xanh, bây giờ tay cầm kéo của tôi đã chai cứng hết rồi. Mình không cắt tỉa thì nhìn nó không đẹp mắt. Tôi mong sao cả xóm, cả ấp này hộ nào cũng trồng hàng rào cây xanh ven theo tuyến đường giao thông nông thôn trước nhà để hạn chế cỏ dại, làm đẹp đường quê. Ngày nào tôi còn có thể làm được thì tôi sẽ chung tay, góp sức cùng địa phương xây dựng nông thôn mới”.
 



Từ mô hình trồng hàng rào cây xanh của bác Sành, giờ đây khu vực gia đình bác Sành sinh sống đã có hàng rào cây xanh nối liền nhau, chạy dày gần 200 mét.
 

Thấy mô hình trồng hàng rào cây xanh của bác Sành đẹp và mang nhiều ý nghĩa nên một số hộ dân khác trong xóm cũng trồng theo. Giờ đây đoạn đường giao thông nông thôn khu vực gia đình bác Sành sinh sống đã có hàng rào cây xanh nối liền nhau, chạy dày gần 200 mét và được cắt tỉa đẹp mắt. Nhờ đó, bộ mặt làng quê được khởi sắc, góp phần cùng địa phương thực hiện đạt chuẩn về tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Có thể nói, bác Võ Thị Sành, ở ấp Cái Rắn, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước là tấm gương tiên tiến, điển hình của người cao tuổi trong tham gia xây dựng nông thôn mới. Việc làm của bác Sành đáng được biểu dương, khen thưởng và để cho nhiều người khác học tập, noi theo.

Diễm Phương

Không có nhận xét nào